Chính sách, chiến lược và chiến thuật đặc trưng Quân đội nhà Trần

Chính sách chủ đạo của nhà Trần vẫn là "ngụ binh ư nông", vốn được xây dựng từ thời nhà Lý. Chính sách này vừa đảm bảo lực lượng đông đảo đã qua huấn luyện khi cần thiết chống xâm lược, vừa tiết kiệm quân phí cho triều đình, lại tối đa hóa năng suất lao động của dân chúng.

Đại Việt thời Trần lập sổ Đinh, trong đó ghi rõ Đinh Nam, Đinh Nữ. Sổ Đinh Nam lại cập nhật số lượng Tiểu Hoàng Nam và Đại Hoàng Nam cũng như Lão và Long Lão theo từng năm. Trong đó, Đại Hoàng Nam đều phải tham gia Lộ quân, tiếp nhận huấn luyện quân sự. Cũng vì Lộ quân tự cung tự cấp nên không giới hạn quân số, Đại Hoàng Nam khi nhập doanh huấn luyện đều phải tự chuẩn bị lương thực. Nếu không có sẽ được quan phủ cho vay, sau nếu không trả sẽ sung làm quan nô, phần lớn quan nô đều đày tới biên ải gia nhập Biên quân.

Nhờ chính sách ngụ binh ư nông và kế hoạch quản lý hộ khẩu rõ ràng rành mạch nên lực lượng quân đội nhà Trần khá đông. Theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, riêng Cấm Quân vào thời điểm hưng thịnh nhất đã có khoảng 10 vạn người.[5]

Về văn hóa quân sự, nhà Trần đặc biệt chuộng võ, khuyến khích coi trọng vũ thuật của trai tráng là lối sống của nam nhi từ quý tộc tới nô tỳ.[5] Năm 1253, Trần Thái Tông lập ra Giảng Võ Đường để các quan võ tập trung học binh pháp và rèn luyện võ nghệ. Đây chính là trường cao cấp quân sự đào tạo các võ quan.

Trong thực chiến, chiến lược của quân đội nhà Trần cũng rất linh hoạt, tùy thuộc vào đối thủ. Với kẻ địch hùng mạnh như quân Nguyên Mông thì chiến lược chủ yếu được sử dụng là chiến tranh du kích, áp dụng lối đánh mai phục dựa vào địa hình và chính sách "vườn không nhà trống" cùng với cắt đứt hậu cần, kết hợp với tác chiến quy mô lớn khi thời cơ thích hợp. Còn đối với kẻ địch yếu thế hơn như Chiêm Thành, các bộ tộc người Man ở Tây Bắc, hay các thế lực nổi loạn thì quân đội Đại Việt thường sử dụng chiến lược tấn công nhanh, mạnh và thần tốc để tiêu diệt quân địch.

Tuy nhiên, sau nhiều năm chiến tranh với quân Nguyên Mông, thực lực quốc gia suy giảm nghiêm trọng đã khiến Đại Việt chú trọng hơn trong việc áp dụng chiến lược "lấy đoản binh thắng trường trận" do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lập ra. Theo đó thì quân đội Đạt Việt chú trọng tinh nhuệ hơn là quân số, chú trọng đánh hiểm vào những nơi địch yếu hại hơn là dàn quân tác chiến quy mô lớn. Từ đây, quân đội Đại Việt chủ yếu lấy số lượng quân vừa đủ để phá địch chứ không còn huy động quy mô cả nước để tấn công như vũ bão nữa.

Trần Quốc Tuấn - vị tướng tổng chỉ huy hai cuộc chiến chống Mông-Nguyên lần thứ 2lần thứ 3 đã soạn bộ Vạn Kiếp tông bí truyền thư và Binh thư yếu lược. Ông đã tìm hiểu và tổng kết kinh nghiệm chiến tranh của Trung Quốc cổ từ thời Xuân Thu đến tận Tống, Nguyên đương thời.[5] Trong Binh thư yếu lược, ông viết: "Người giỏi thắng không cần thắng nhiều lần, mà cần toàn thắng, đảm bảo thắng". Điều đó đồng nghĩa với việc làm cách nào để có được chiến thắng cuối cùng mới là điều quan trọng nhất, còn thắng bại trong các trận đánh chỉ là phụ. Cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên của quân dân nhà Trần, dưới sự chỉ đạo của ông cũng tiến hành theo nguyên tắc trên.